THUẬT NGỮ
Biệt hóa (Differentiation) – Quá trình phát triển từ tế bào chưa biệt hóa trở thành tế bào chuyên biệt, đặc hiệu mô. Quá trình biệt hóa được điều khiển bởi sự tương tác gen với môi trường ngoại bào, thông qua các con đường tín hiệu.
Biệt hóa trực tiếp (Directed differentiation) – Kích thích làm cho TBG biệt hóa thành tế bào chuyên biệt nào đó bằng cách thay đổi điều kiện nuôi cấy.
Cấy chuyền (Subculturing) – Chuyển tế bào nuôi cấy từ bình nuôi cấy này sang bình nuôi khác.
Chuyển biệt hóa (Transdifferentiation) – Quá trình biệt hóa TBG của mô này trở thành tế bào của một mô khác.
Chuyển nhân tế bào sinh dưỡng (Somatic cell nuclear transfer – SCNT) – Nhân của một tế bào sinh dưỡng được cấy vào trứng đã hút nhân để tạo thành phôi. Chuyển nhân tế bào sinh dưỡng có thể được sử dụng cho liệu pháp chữa bệnh hoặc mục đích sinh sản (xem Dòng hóa điều trị, Dòng hóa sinh sản).
Chưa biệt hóa (Undifferentiated) – Trạng thái tế bào chưa phát triển thành tế bào chuyên biệt.
Dấu ấn bề mặt (Surface markers) – Protein bề mặt của tế bào.
DNA (Deoxyribonucleic acid) – DNA là tên hóa học của phân tử mang thông tin di truyền.
Dòng (Clone) – Các tế bào hoặc cơ thể đồng nhất được nhân bản trong quá trình dòng hóa.
Dòng hóa (Cloning) – Quá trình tạo dòng.
Dòng hóa điều trị (Therapeutic cloning) – Quá trình tạo dòng phục vụ điều trị: chuyển nhân của tế bào sinh dưỡng vào bào tương của noãn bào đã hút bỏ nhân. Noãn bào mang nhân tế bào sinh dưỡng được kích thích phát triển thành phôi nang; khối nội phôi bào của phôi nang được phân lập tạo TBG để phục vụ điều trị.
Dòng hóa sinh sản (Reproductive cloning) – Quá trình tạo dòng phục vụ sinh sản: chuyển nhân của tế bào sinh dưỡng vào bào tương của noãn bào đã hút bỏ nhân. Noãn bào mang nhân tế bào sinh dưỡng được kích thích phát triển thành phôi nang; khối nội phôi bào của phôi nang được phân lập tạo TBG để phục vụ sinh sản.
Dòng tế bào gốc phôi (Embryonic stem cell line) – Các TBG phôi được nuôi cấy trong điều kiện ống nghiệm và phát triển mà không biệt hóa trong nhiều tháng cho đến nhiều năm.
Đa tiềm năng (Multipotent) – Khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào của cơ thể (xem thêm Vạn tiềm năng, Toàn tiềm năng).
Đơn bội (Haploid) – Trạng thái tế bào có n nhiễm sắc thể (một nửa của bộ NST lưỡng bội); đó là số lượng nhiễm sắc thể trong 1 giao tử.
Gen (Gene) – Một đơn vị chức năng của sự di truyền, là đoạn phân tử DNA, chịu trách nhiệm tổng hợp enzyme hoặc protein.
Giao tử (Gamete) – Trứng (trong cá thể cái) hoặc Tinh trùng (trong cá thể đực).
In vitro – Trong ống nghiệm; trong điều kiện phòng thí nghiệm.
In vivo – Trong cơ thể.
Khối nội phôi bào (Inner cell mass – ICM) – Cụm tế bào bên trong túi phôi (blastocyst), từ đó phát triển thành phôi, rồi sau cùng là thai. ICM có thể được sử dụng để tạo thành TBG phôi.
Liệu pháp dựa vào tế bào gốc (Stem cell-based therapies) – Kỹ thuật điều trị bệnh mà trong đó các TBG được cảm ứng để biệt hóa thành tế bào chuyên biệt nhằm sửa chữa các tế bào hoặc mô bị tổn thương hay bị phá hủy.
Loại bỏ nhân (Enucleated) – Kỹ thuật loại bỏ nhân của 1 tế bào.
Lưỡng bội (Diploid) – Trạng thái tế bào có 2n nhiễm sắc thể.
Môi trường nuôi cấy (Culture medium) – Chất lỏng chứa chất dinh dưỡng bao phủ toàn bộ tế bào trong đĩa nuôi cấy nhằm nuôi dưỡng và hỗ trợ những tế bào đó. Môi trường nuôi cấy cũng có thể bao gồm những tác nhân phát triển đặc biệt.
Ngoại bì (Ectoderm) – Lá phôi ngoài phát triển từ khối nội phôi bào của phôi nang; từ đó phát triển thành da, hệ thống thần kinh, các giác quan và các cấu trúc có liên quan.
Nhiễm sắc thể (Chromosome) – Cấu trúc của nhân tế bào, chứa phân tử DNA và những protein điều hòa. Ở người mỗi tế bào sinh dưỡng có 46 NST.
Nội bì (Endoderm) – Lá phôi trong phát triển từ khối nội phôi bào của phôi nang; từ đó phát triển thành các cơ quan tiêu hóa, phổi…
Nuôi cấy tế bào (Cell culture) – Kỹ thuật nuôi tế bào in vitro trong môi trường nhân tạo nhằm phục vụ nghiên cứu hoặc điều trị y học.
Phân bào giảm nhiễm (Meiosis) – Sự phân chia tế bào với bộ NST lưỡng bội (2n NST) để tạo thành tế bào có bộ NST đơn bội (n NST). Phân bào giảm nhiễm là quá trình phân chia tế bào trong quá trình tạo giao tử
Phân bào nguyên nhiễm (Mitosis) – Sự phân chia tế bào sinh dưỡng, mà số NST của tế bào con bằng đúng số NST của tế bào mẹ (2n).
Phôi (Embryo) – Ở người, sự phát triển cơ thể từ giai đoạn thụ tinh cho đến cuối tuần thứ tám trong thai kì.
Phôi nang (Blastocyst) – Giai đoạn phôi có hình túi với 3 phần cấu tạo: khối nội phôi bào, túi phôi và lá nuôi.
Tăng sinh tế bào (Cell Proliferation) – Sự phát triển số lượng của tế bào thông qua quá trình phân chia liên tục của những tế bào đơn thành 2 tế bào con đồng nhất.
Tế bào (Cells) – Đơn vị cấu tạo và chức năng của các cơ thể đa bào.
Tế bào gốc (Stem cells) – Những tế bào với khả năng tự phân chia không giới hạn trong quá trình nuôi cấy và có khả năng phát triển thành những tế bào chuyên biệt.
Tế bào gốc máu dây rốn (Umbilical cord blood stem cells) – Những TBG trong máu dây rốn được thu nhận sau khi sinh, có khả năng sản xuất thành tất cả tế bào máu trong cơ thể. Máu dây rốn hiện đang được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân đã trải qua liệu pháp hóa trị để phá hủy tủy xương của họ bởi vì ung thư hoặc các rối loạn máu có liên quan.
Tế bào gốc nền tủy xương (Bone marrow stromal stem cells) – Một tập hợp của những tế bào nền tủy xương đa tiềm năng có thể hình thành nên xương, sụn, tế bào nền hỗ trợ quá trình tạo máu, mỡ và mô xơ.
Tế bào gốc phôi (Embryonic stem cells) – Những TBG nguyên thủy (chưa biệt hóa) có nguồn gốc từ những phôi giai đoạn tiền làm tổ, chúng có khả năng phân chia không biệt hóa trong một thời gian dài khi nuôi cấy, chúng sẽ phát triển thành 3 lá phôi và tạo thành các mô khác nhau.
Tế bào gốc phôi người (Human embryonic stem cell – hESC) – Một loại TBG vạn tiềm năng có nguồn gốc từ giai đoạn sớm của phôi người, bao gồm cả giai đoạn phôi nang, chúng có khả năng phân chia không biệt hóa trong một thời gian dài khi nuôi cấy, chúng sẽ phát triển thành 3 lá phôi và tạo thành các mô khác nhau.
Tế bào gốc sinh dưỡng (Somatic (adult) stem cells) – Một loại tế bào chưa bị biệt hóa khá hiếm được tìm thấy trong nhiều cơ quan và mô đã biệt hóa, với khả năng có giới hạn cả về tự làm mới và biệt hóa.
Tế bào gốc tạo máu (Hematopoietic stem cell) – Một loại TBG có khả năng phát triển thành tất cả các loại tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
Tế bào gốc thần kinh (Neural stem cell) – Một loại TBG được tìm thấy trong mô thần kinh trưởng thành, chúng có khả năng phát triển thành các tế bào thần kinh và tế bào thần kinh đệm (bao gồm các tế bào hình sao và tế bào ít nhánh).
Tế bào gốc trung mô (Mesenchymal stem cells) – TBG trưởng thành không tạo máu được tìm thấy từ nhiều loại mô khác nhau.
Tế bào gốc trưởng thành (Adult stem cell) – xem TBG sinh dưỡng.
Tế bào gốc vạn tiềm năng cảm ứng (Induced pluripotent stem cell – iPSC) – Một loại TBG vạn tiềm năng gần giống với TBG phôi, được hình thành thông qua việc đưa một số gen của phôi vào trong một tế bào sinh dưỡng.
Tế bào mầm phôi (Embryonic germ cells) – TBG vạn tiềm năng có nguồn gốc từ những tế bào sinh dục nguyên thủy (là những tế bào sẽ phát triển thành tinh trùng và trứng). Các tế bào mầm phôi (EGc) được xem là có sự tương đồng với TBG phôi.
Tế bào nền (Stromal cells) – Các tế bào mô liên kết được tìm thấy trong hầu hết các cơ quan. Trong tủy xương, các tế bào nền giúp hỗ trợ cho quá trình tạo máu.
Tế bào nền tủy xương (Bone marrow stromal cells) – Một quần thể các tế bào được tìm thấy trong tủy xương, khác biệt với quần thể tế bào máu.
Tế bào sinh dưỡng (Somatic cell) – Mọi tế bào cơ thể đa bào ngoại trừ giao tử (tinh trùng hoặctrứng).
Thai (Fetus) – Ở người, sự phát triển cơ thể người từ giai đoạn 8 tuần sau khi thụ tinh cho đến khi được sinh ra.
Thụ tinh (Fertilization) – Sự kết hợp của giao tử đực (tinh trùng) và giao tử cái (trứng).
Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization) – Sự kết hợp trứng và tinh trùng trong phòng thí nghiệm thay cho việc thụ tinh trong cá thể cái.
Toàn tiềm năng (Totipotent) – Trạng thái của 1 tế bào có khả năng phát triển thành tất cả các loại tế bào biệt hóa được tìm thấy trong một cơ thể, kể cả các cấu trúc ngoài phôi (xem đa tiềm năng, vạn tiềm năng).
Trung bì (Mesoderm) – Lá phôi giữa hình thành từ khối nội phôi bào của phôi nang; có khả năng phát triển thành xương, cơ, mô liên kết, thận và các cấu trúc có liên quan.
Trước làm tổ (Preimplantation) – Giai đoạn phát triển phôi trong lòng tử cung nhưng chưa làm tổ vào thành của tử cung. TBG phôi người chỉ nhận được từ phôi thụ tinh trong ống nghiệm (in vitro) giai đoạn trước làm tổ..
U quái (Teratoma) – U lành nhiều lớp mà phát triển từ các tế bào vạn tiềm năng được tiêm vào cơ thể động vật, người.
Vạn tiềm năng (Pluripotent) – Trạng thái của 1 tế bào đơn có khả năng biệt hóa thành tất cả các mô của cơ thể nhưng không có khả năng hình thành một cơ thể hoàn chỉnh với các bộ phận phụ.
Vi môi trường (Microenvironment) – Các phân tử và hợp chất như là các chất dinh dưỡng và các yếu tố tăng trưởng có trong dung dịch bao quanh 1 tế bào trong cơ thể hoặc trong phòng thí nghiệm, vi môi trường đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định các đặc tính của 1 tế bào.
Y học tái tạo (Regenerative medicine) – Một lĩnh vực y học mang lại những phương pháp điều trị mà trong đó TBG được cảm ứng để biệt hóa thành kiểu tế bào chuyên biệt giúp sửa chữa thay thế và tái tạo các quần thể tế bào hay các mô bị tổn thương.