Lịch sử phát triển của ngân hàng tế bào gốc Các nghiên cứu từ năm 1974 của Knudtzon cho thấy máu dây rốn có chứa các tế bào gốc tạo máu và có thể được lưu trữ lâu dài, đã mở đường cho việc ứng dụng tế bào gốc máu dây rốn trong điều trị. Ca ghép tế bào gốc máu dây rốn (TBG MDR) đầu tiên là vào năm 1972 (do Ende và cộng sự thực hiện), tuy nhiên, ca ghép TBG MDR thành công đầu tiên là vào năm 1988 do Bác sĩ Elianne Gluckman thực hiện tại Paris cho 1 bệnh nhân bị bệnh thiếu máu Fanconi, sử dụng máu dây rốn từ người em gái có chỉ số HLA phù hợp hoàn toàn.
Thành công này đã dẫn đến sự thành lập của Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn đầu tiên tại New York vào năm 1991, thu nhận các nguồn máu dây rốn hiến tặng để lưu trữ dùng cho điều trị, là mô hình ngân hàng tế bào gốc công (public bank) đầu tiên trên thế giới. Các kết quả điều trị từ Ngân hàng này đã khiến cho mọi người nhận ra rằng, để có thể phục vụ cho nhu cầu cấy ghép máu dây rốn ngày càng gia tăng, phải có một lượng lớn đơn vị máu dây rốn chất lượng cao, được xử lý, thu thập và xét nghiệm đúng tiêu chuẩn, lưu trữ trong điều kiện âm sâu, và có thể được lấy ra sử dụng bất kỳ lúc nào. Vì thế, hàng loạt Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn bắt đầu ra đời ở Pháp, Ý, Đức và lan rộng ra toàn thế giới với các loại hình khác nhau.
Một số cột mốc đáng chú ý có thể kể đến như sau:
– Năm 1993, Mitch Santa, 2 tuổi, trở thành người đầu tiên được ghép máu dây rốn từ một mẫu hiến tặng lưu trữ trong Ngân hàng máu New York, và được chữa khỏi bệnh ung thư bạch cầu cấp.
– Tháng 2 – 1995, ca ghép máu dây rốn cho người trưởng thành đầu tiên được tiến hành.
– Tháng 11 – 1997, Stephen Sprague là người trưởng thành đầu tiên được ghép tế bào gốc dây rốn, với các tế bào gốc đã trải qua quá trình nuôi cấy, nhân số lượng trong phòng thí nghiệm trước khi cấy ghép.
– Tháng 4 – 2001, Jesse, cậu bé người Canada, là một trong những em bé đầu tiên sử dụng chính tế bào gốcdây rốn của mình lưu trữ trong ngân hàng tư (private stem cell bank) để điều trị bệnh ung thư mắt.
– Tháng 10 – 2005, Ryan Schneider là em bé bị bại não đầu tiên được điều trị bằng tế bào gốc dây rốn của mình, lưu trữ trong ngân hàng tư khi em vừa ra đời.
Cho đến năm 2014, đã có hơn 24.000 ca ghép tế bào gốc máu dây rốn được thực hiện trên toàn thế giới, điều trị các bệnh ung thư máu, suy tủy, rối loạn suy giảm miễn dịch, rối loạn chuyển hóa và các bệnh về máu nhưng không ác tính,…
Các loại hình ngân hàng tế bào gốc Ngân hàng tế bào gốc công (Public stem cell bank) Ngân hàng tế bào gốc dây rốn công đầu tiên được thành lập vào năm 1991 tại Trung tâm truyền máu New York tại Mỹ. Sau đó các ngân hàng lớn lần lượt ra đời ở Pháp, Đức, Ý, và khắp nơi trên toàn thế giới. Mô hình này tương đối phổ biến ở Châu Âu, và chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều so với ngân hàng tư nhân.
Đối với ngân hàng công, một bước không thể thiếu trong quy trình thu nhận mẫu là phiếu tự nguyện tham gia chương trình, đòi hỏi phải được hoàn thành trước khi quá trình thu thập mẫu diễn ra và khi sản phụ (người hiến) phải có đầy đủ ý thức và được tư vấn kỹ càng về các xét nghiệm phải tiến hành, ứng dụng và khả năng sử dụng của mẫu sau khi hiến tặng.
Vì là mẫu dành cho cộng đồng nên các mẫu trong ngân hàng công đòi hỏi phải được xét nghiệm sàng lọc kỹ càng để loại bỏ các yếu tố gây bệnh, đảm bảo tính an toàn của mẫu khi ghép cho cộng đồng, như các xét nghiệm về viêm gan B, viêm gan C, HIV, giang mai, CMV (cytomegalovirus), HTLV1 (Human T cell lymphotropic virus type 1),…Đây là những xét nghiệm cơ bản, thống nhất ở các nước, tùy theo tính chất của từng vùng, từng chủng tộc, các nước sẽ có thêm một số các xét nghiệm bổ sung khác.
Sau khi đạt các tiêu chuẩn về số lượng tế bào, xét nghiệm chỉ số sinh học HLA, các mẫu tế bào gốc máu dây rốn này sẽ được lưu giữ cho một đích điều trị lâm sàng (hoặc dành cho nghiên cứu khoa học nếu không thích hợp cấy ghép).
Ngân hàng tế bào gốc tư nhân (Private stem cell bank/ Family cord blood bank) Bên cạnh các ngân hàng công lưu giữ mẫu ghép cho người trong cộng đồng, loại hình ngân hàng tư nhân nhằm lưu giữ mẫu tế bào gốc theo yêu cầu cho chính bản thân em bé và/hoặc cho người trong gia đình đang có nhu cầu điều trị. Các đơn vị máu dây rốn này được xem như là sở hữu của chính em bé đó, với sự giám hộ/hỗ trợ của ba/mẹ em bé, và không được sử dụng cho cộng đồng. Trong một số trường hợp, khi người thân trong gia đình có nhu cầu sử dụng thì mới có thể được lấy ra.
Ngân hàng tế bào gốc tư nhân đang phát triển rất mạnh mẽ, ngân hàng tế bào gốc lớn nhất thế giới hiện nay là Cord Blood Registry tại Mỹ với hơn 500.000 mẫu. Ngân hàng ViaCord tại Mỹ, năm 2000 chỉ có khoảng hơn 2000 mẫu, nhưng đến năm 2013 đã tăng lên 300.000 mẫu, hay như ở Nhật những năm 2005 thì số lượng mẫu lưu giữ hàng năm tại các ngân hàng tư nhân chỉ chiếm khoảng 32% trên tổng số mẫu được lưu giữ nhưng từ 2010 cho đến nay thì số lượng mẫu lưu giữ tại ngân hàng tư nhân đã chiếm hơn 80% so với tổng số mẫu được lưu giữ. Những số liệu này cho thấy sức phát triển của loại hình ngân hàng này.
Tuy nhiều ý kiến phản đối vẫn hiện diện vì cho rằng ngân hàng tư nhân không đóng góp nhiều cho cộng đồng (vì chỉ phục vụ cho người có điều kiện kinh tế sẵn sàng bỏ tiền để cất giữ tế bào cho riêng con mình và gia đình mình). Mặc dù vậy, ngân hàng công và ngân hàng tư thực sự cùng phụ vụ cộng đồng nhưng đối tượng phục vụ là hai nhóm người khác hẳn nhau. Trong khi ngân hàng công thường dùng kinh phí công, mặc nhiên phải phục vụ cho cộng đồng; ngân hàng tư do cá nhân tự nguyện trả tiền phí dịch vụ để lưu giữ tế bào cho các con cháu và gia đình của họ, họ không có lý do bỏ tiền ra cất tế bào gốc của con mình rồi đem hiến cho cộng đồng. Từ đó nhiều bậc cha mẹ vẫn tiếp tục đăng ký lưu trữ tế bào gốc cho con cái của mình- vì đó là hình thức bảo hiểm sinh học mang tính đặc trưng cá nhân và gia đình còn ngân hàng công được hiểu là tài nguyên/tài sản của công và phục vụ cho cộng đồng là lẽ đương nhiên. Không ai có quyền bắt ngân hàng tư phải cung cấp mẫu tế bào có chủ để phục vụ cộng đồng; mặt khác các chỉ số sinh học của mẫu tế bào trong ngân hàng tư là bí mật, không ai có quyền biết chỉ có chủ nhân của mẫu tế bào ấy và ngân hàng biết, nên cộng đồng thực ra không được phép tiếp cận các thông tin đó để có thể “xin” mẫu tế bào tư nào đó để chữa bênh cho mình, vì điều kiện mang tính quyết định để sử dụng tế bào gốc của người này đem cấy ghép sang người khác là sự phù hợp với nhau về các chỉ số sinh học, trong đó thường lưu ý nhất là mức độ hòa hợp mô giữa người cho và người nhận
Về mặt khoa học, các mẫu tế bào gốc ghép cho bản thân bé và/hoặc các thành viên chung huyết thống trong gia đình có một số lợi thế so với các mẫu không cùng huyết thống, cụ thể là khả năng sống sót của tế bào ghép cao hơn, tỷ lệ bị chứng mô ghép chống túc chủ thấp, và khả năng có thể bổ sung tế bào từ tủy xương từ cùng người cho mẫu trong trường hợp tái phát hoặc bị thải loại.
Về mặt xã hội, nguyên nhân các bậc cha mẹ vẫn tiếp tục đầu tư lưu trữ tế bào gốc chủ yếu là do: khuynh hướng cha mẹ coi đó là hình thức bảo hiểm sinh học cho các căn bệnh trong tương lai; khuynh hướng cha mẹ luôn lo lắng, quan tâm tới sức khỏe của con cái cùng với bẩm sinh mong muốn giữ cho con cái bất cứ sự bảo vệ/bảo hiểm nào có thể.
Ngân hàng tế bào gốc lai giữa loại hình tư nhân và loại hình công (Hybrid private-public stem cell bank) Loại hình này mới phát triển gần đây, mặc dù số lượng vẫn còn ít. Các ngân hàng này lưu giữ tế bào gốc của cả hai nhóm đối tượng: nhóm thứ nhất là các mẫu tế bào gốc có chủ được cha mẹ các bé trả tiền dịch vụ lưu giữ để dành cho tự ghép hoặc dùng cho người thân trong gia đình; nhóm thứ hai là các mẫu tế bào gốc được cha mẹ các bé hiến cho ngân hàng lưu giữ làm tài sản công để cung cấp cho cộng đồng.
Một ví dụ điển hình cho loại hình này là ngân hàng Virgin bank, với 20% mẫu thu thập được hàng năm thuộc private và 80% số mẫu được chuyển vào hệ thống mẫu public cho cộng đồng.
Ở 1 số nước, (như Tây ban Nha), ngân hàng được lưu trữ tế bào gốc cho ghép tự thân nhưng ghi rõ điều kiện là chủ sở hữu mẫu phải đồng ý hiến khi cộng đồng có nhu cầu. Một loại hình khác là phụ huynh được hiến mẫu cho cộng đồng nhưng đồng thời cũng được giữ quyền sở hữu mẫu trong một thời gian nhất định để có thể ưu tiên sử dụng mẫu cho con mình khi có nhu cầu.
Các loại tế bào gốc được lưu trữ trong ngân hàng Tất cả các ngân hàng tế bào gốc hiện nay đều lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn, là nguồn tế bào gốc tạo máu, có thể dùng để điều trị các bệnh lý về máu, ung thư máu, các bệnh rối loạn chuyển hóa, rối loạn miễn dịch,…. Việc cấy ghép tế bào gốc máu dây rốn đòi hỏi phải phù hợp chỉ số sinh học HLA, tỷ lệ phù hợp càng nhiều thì tỷ lệ thành công càng lớn, vì thế, ghép tự thân cho chính em bé đó sẽ cho kết quả khả quan nhất.
Ngoài tế bào gốc máu dây rốn, hiện nay, các ngân hàng, chủ yếu là ngân hàng tư, bắt đầu tiến hành đa dạng hóa dịch vụ của mình bằng cách cung cấp các gói dịch vụ lưu giữ tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn (Cord Blood Registry, Cordlife Singapore, ViaCord,…), từ màng dây rốn theo công nghệ của công ty CellResearch Corporation (MekoStem Vietnam, StemCyte Taiwan), từ lớp Wharton’s Jelly của mô dây rốn (CoCells, AlphaCord,…), từ nhau thai (Americord, LifeBank USA,…)
Ngoài ra một số ngân hàng tế bào gốc đã lưu giữ tế bào gốc trung mô từ mô mỡ để sử dụng trong thẩm mỹ và điều trị ghép tự thân cho một số bệnh lý về tổn thương khớp, bệnh tiểu đường, COPD …
Gần đây, với sự ra đời của tế bào iPS (induced pluripotent stem cells), là các tế bào được cảm ứng thành tế bào gốc vạn năng, có khả năng biệt hóa tương tự như tế bào gốc phôi, nhu cầu sử dụng các tế bào này trong nghiên cứu và điều trị càng gia tăng. Cùng với đó là nhu cầu cần có các ngân hàng tế bào iPS, có khả năng cung cấp các dòng tế bào đặc trưng, số lượng lớn và phù hợp cho nghiên cứu của các trường, viện khi có nhu cầu. Tuy nhiên, việc triển khai các ngân hàng loại này còn cần thời gian và quy định, tiêu chuẩn rõ ràng để tránh lãng phí nhân lực và tài lực mà lại không đưa đến kết quả như mong muốn.
Ngân hàng tế bào gốc ở Việt Nam: Ngân hàng tế bào gốc của Bệnh viện Truyền máu Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem – Thành phố Hồ Chí Minh Thành lập vào tháng 2 năm 2009, là Ngân hàng Tế bào gốc đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép và công nhận. Đồng thời, MekoStem cũng là Ngân hàng đầu tiên và duy nhất trên thế giới lúc bấy giờ cung cấp cả hai dịch vụ là lưu trữ tế bào gốc máu và tế bào gốc từ màng dây rốn (với công nghệ được chuyển giao từ PGS. Phan Toàn Thắng và công ty CellResearch Corporation Singapore). Cho tới nay, sau 6 năm hoạt động, Ngân hàng ngoài trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh, đã có chi nhánh ở Hà Nội và triển khai thu thập mẫu ở các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Gia Lai, Buôn Ma Thuộc,…với số lượng mẫu hiện đang lưu trữ ở Ngân hàng là gần 5000 mẫu.
Bệnh viện Nhi Trung ương Viện Huyết học Truyền máu Trung ương Bệnh viện Vinmec – Hà Nội Nhìn chung các ngân hàng tế bào gốc hiện nay ở Việt Nam đều lưu giữ cả các mẫu tế bào gốc dây rốn theo yêu cầu (mô hình ngân hàng tư) và các mẫu được hiến tặng (mô hình ngân hàng công). Tuy nhiên do nguồn đầu tư và cơ chế vận hành khác nhau các ngân hàng lưu giữ các mẫu công là chính hay tư là chính. Điều cần lưu ý là dù mẫu tế bào gốc của công hay tư thì các yêu cầy kỹ thuật về thư thập, xử lý và bảo quản mẫu tế bào đều giống nhau và phải theo các tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên ngành do các hiệp hội quốc tế đưa ra. Điều này có nghĩa là sản phẩm của công vẫn sử dụng cho một cá nhận cụ thê nào đó đã cất giữ mẫu tế bào tư nhưng cần thêm tế bào để chữa bệnh hoặc một người có cất giữ tế bào gốc của con em mình dưới dạng mẫu tế bào tư nhưng khi không có nhu cầu sử dụng nữa vẫn có thể hiến cho ngân hàng công để nếu ai trong cộng đồng có chỉ số sinh học phù hợp thì cung cấp cho người đó sử dụng. Đây chính là ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc của ngân hàng tế bào gốc.